Chúng ta sống trong sự liên đới với người khác, không ai một mình làm nên chuyện, cũng không ai có thể bỏ về đảo hoang sống một mình với một đống tài sản và bảo mình có một đời ý nghĩa được. Liên đới là một thuộc tính xã hội không thể bỏ qua của con người.
Hiểu
được điều này đánh thức sự khiêm nhường và ý thức tử tế lành mạnh.
Giả sử chạy xe trên đường, ta nhường đường cho một người đi bộ. Người được nhường đường kia, vô tình là quản lý của một công ty nọ, anh ta mang cảm giác vui vẻ ấy đến công sở và đối đãi tử tế với đồng nghiệp.
Những người đồng nghiệp nhận được sự tử tế từ anh quản lý nọ, mang niềm vui ấy về nhà cùng vợ và đứa con nhỏ của mình.
Trong câu chuyện này, hành động nhường đường có thể liên đới đến nhiều người khác.
Khi hiểu cuộc sống là sự liên đới, chúng ta hiểu bản thân mình có thể góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn bằng cách cố gắng trở thành một người có giá trị. Giống như câu nói của Albert Einstein, ông nói “Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value”, tạm dịch “Đừng cố gắng trở thành một người thành công, thay vào đó hãy cố gắng để trở thành một người có giá trị".
Một người có giá trị khi làm bất kỳ công việc nào, họ đều cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình với một thái độ điểm tĩnh, cẩn trọng, họ tập trung vào chuyên môn của mình và làm nó với một thái độ tận tâm.
Khi một xã hội có nhiều người theo đuổi giá trị, chúng ta sẽ có những bác sĩ, kỹ sư, người lao công, nhà giáo tận tâm, có chuyên môn cao thay vì ai ai cũng theo đuổi những nghề mang tính xu hướng và hào nhoáng nhất thời.
Và khi ai đó chuyên tâm làm tốt việc của mình, họ mang lại sự tốt đẹp cho những người tiếp nhận nó; và những người khác cũng làm điều tương tự. Khi ấy, tình liên đới lan toả, cộng hưởng… chẳng mấy chốc một cộng đồng lớn được ảnh hưởng bởi sự tích cực.
Ở Nhật có một câu nói cửa miệng dùng trong công việc: Công đoạn trước là ân nhân, công đoạn sau là khách hàng. Ý muốn nói rằng, khi bạn làm tốt phần việc của mình, người tiếp nhận nó sẽ từ đó tiếp tục làm tốt công việc của họ, và cứ thế công việc liên tục trôi chảy, hoàn thiện.
Nếu ai cũng ý thức được điều này, tình liên đới có thể tạo ra những thay đổi tích cực, khi người cùng bước một bước nhỏ, sự thay đổi được tạo ra và nhân rộng.
Nếu các bạn đã từng đọc qua về Hiệu ứng cánh bướm thì hiểu mỗi hành động nhỏ có thể tạo ra một hiệu ứng liên miên và bất tận.
Mỗi giây phút trôi qua, mỗi người chúng ta gặp là cơ hội để chúng ta mang lại niềm vui, hoặc mang đến nỗi buồn vì cách cư xử của chúng ta. Nếu hiểu về tình liên đới thì chúng ta sẽ cố gắng mang lại giá trị cho từng người chúng ta gặp mỗi ngày bằng tài năng và sự tử tế của chúng ta.