Gallery
Những sáng trong veo - Think & Share - Quyển 1
Share
Explore
Những sáng trong veo - Think & Share - Quyển 1
Góc nhìn

Sức mạnh của thói quen

“Bạn là sản phẩm của thói quen" - Từ khi nghe được câu nói này đã mình hoàn toàn thay đổi cách nhìn nhận về cuộc sống, công việc hàng ngày.
Trước đây mình thường cho là có hàng tá thứ trong cuộc sống tác động và hình thành nên tính cách như: môi trường giáo dục và sinh sống, gia đình, bạn bè đồng nghiệp, cá tính, yếu tố cảm xúc, may mắn…. nhưng hoá ra đó chỉ là phần phụ. Chính thói quen cá nhân mới là yếu tố chính hình thành nên con người. Đây là một số ví dụ:
Bạn gặp một rắc rối trong công việc. Nếu thói quen của bạn là “đổ lỗi”, bạn sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân sinh ra rắc rối đó và báo cáo lại quản lý của bạn. Ngược lại, nếu thói quen của bạn là “đối mặt” thì bạn sẽ cố gắng tìm cách giải quyết rắc rối này để đưa vấn đề đến đích đến đã đặt ra hoặc một phương án dự phòng khác.
Bạn chuẩn bị cho một chuyến du lịch. Nếu thói quen của bạn là “chủ động”; bạn sẽ lên kế hoạch những điểm sẽ đến trong chuyến đi, những thông tin liên hệ liên quan để liên lạc khi tới nơi. Ngược lại nếu thói quen của bạn là “bị động”; thì bạn chỉ việc xách ba lô lên vai rồi đi tới nơi và chờ các vấn đề tới, giải quyết lần lượt.
Bạn thức dậy muộn, dù tối hôm trước ngủ rất sớm; nó cũng là kết quả của thói quen “dậy muộn”. Bạn bị bệnh liên quan đến cột sống do ngồi sai tư thế khi làm việc, đó cũng là kết quả của thói quen.
Vậy thì những việc tưởng chừng là từ trên trời rơi xuống thì sao? Liệu nó có đến từ thói quen của bạn không, hay chỉ đơn giản là do bạn xui xẻo hoặc may mắn.
Bạn đang chạy xe trên đường thì hết xăng đột ngột. Bạn thử nghĩ lại xem mình có thói quen thường đợi xăng tới vạch đỏ rồi mới đi đổ xăng không?
Thứ Hai thường là ngày “đen tối” của giới văn phòng vì công việc dồn dập. Có phải vì thói quen họ thường bỏ lại những vấn đề còn dang dở chưa được giải quyết vào chiều thứ Sáu; và chính đối tác của họ cũng có thói quen giống họ không?
Bạn đến một nhà hàng, khi quay ra thì phát hiện mất thẻ xe. Bạn đang luống cuống tìm cách giải thích với người bảo vệ, thì anh này mỉm cười nói bạn cứ lấy xe đi đi. Đó là trường hợp mình gặp phải 3 lần trong năm nay, mình rất bất ngờ tưởng là do may mắn gặp bảo vệ chỗ này dễ; nhưng sau này hỏi lại thì biết là do bảo vệ đều nhớ mình vì lý do mình hay mỉm cười và cảm ơn khi họ đưa thẻ xe cho mình.
Còn rất nhiều ví dụ khác chứng minh cuộc sống bạn chính là sản phẩm của thói quen. Bạn có thể dễ dàng tự kiểm chứng bằng cách nghĩ đến một Tính cách đặc trưng của mình; và tìm ra nguyên nhân cơ bản tại sao mình lại có tính cách đó. Đó hẳn sẽ đến từ một thói quen nào đó. Ví dụ mình là một người rất thích những câu nói hay truyền cảm hứng; đó là kết quả của thói quen thích đọc sách và bài viết về phát triển cá nhân của mình.
HIỂU VỀ THÓI QUEN.
Thói quen hình thành khi bạn lặp lại một hành động, suy nghĩ gì đó liên tục trong thời gian dài. Nó có thể hình thành trong 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng… tuỳ vào hoàn cảnh môi trường và cường độ bạn lặp lại.
Não bộ của chúng ta thường có xu hướng thực hiện những hành động, suy nghĩ khiến con người ta cảm thấy thoải mái; hay còn gọi là VÙNG AN TOÀN. Đây là một tập hợp các hành động, suy nghĩ khiến bạn cảm giác thoải mái, an toàn nhất khi ở trong nó.
Ví dụ: Vùng An Toàn một ngày của mình là: Thức dậy vào 7h sáng; dọn dẹp nhà cửa, ăn sáng, cafe ở quán quen và có mặt ở công ty lúc 9:30 sáng. Sau đó, mình sẽ dành 30p để đọc tin tức, kiểm tra email và bắt đầu làm việc lúc 10h sáng…
Dần dần, thói quen hình thành khi bạn lặp lại những hành động như vậy. Từ việc hiểu, bạn có thể dễ dàng nhận ra những Thói quen tốt và Thói quen xấu của mình và từng bước làm chủ thói quen của bạn.
ĐIỂM DANH NHỮNG THÓI QUEN XẤU VÀ DẦN LOẠI BỎ — THAY THẾ CHÚNG.
Về bản chất, thói quen đáp ứng một nhu cầu cơ bản nào đó của bạn. Ví dụ thói quen lướt xem video quá lâu đáp ứng nhu cầu giải trí, thói quen tiêu xài phung phí vào đầu tháng đáp ứng nhu cầu vật chất.
Vì vậy, để loại bỏ một thói quen xấu, bạn cần xác định rõ hai điểm:
Tác hại của thói quen xấu
Thói quen tốt tương ứng có thể thay thế nó và lộ trình thay thế.
Ví dụ, thói quen xấu của mình là thức rất khuya để tranh thủ làm thêm việc, chơi game, hay đọc sách. Tác hại của nó là khiến sáng hôm sau mình ngủ dậy rất trễ, tinh thần và thể chất đều uể oải. Mình quyết định thay thế nó bằng thói quen tốt, ngủ sớm hơn 1 tiếng và dậy sớm hơn 1 tiếng. Mình vẫn dư dả 1 tiếng của sáng hôm sau để tranh thủ làm những việc mình thích, và còn rất thoải mái, tỉnh táo nữa.
HÌNH THÀNH NHỮNG THÓI QUEN TỐT — THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA BẠN.
Thói quen của mỗi con người rất đa dạng và khác nhau, nên bạn hoàn toàn có thể tự thiết kế những thói quen tốt dành riêng cho mình chỉ cần bạn trả lời được 2 câu hỏi sau:
Mục tiêu của bạn trong những lĩnh vực trong cuộc sống là gì?
Hãy chia cụ thể thành 3 lĩnh vực chính: CÁ NHÂN, CÔNG VIỆC — SỰ NGHIỆP & CÁC MỐI QUAN HỆ. Ví dụ mục tiêu cụ thể của mình trong cuộc sống là:
CÁ NHÂN: Phát triển toàn diện Thể Chất, Tinh Thần và Lòng Tốt
SỰ NGHIỆP: Tạo dựng được thành công và sức ảnh hưởng trong ngành Sáng Tạo và Cà Phê; giúp đỡ và truyền cảm hứng cho nhiều người.
CÁC MỐI QUAN HỆ: dành thời gian nhiều cho gia đình và khu vườn.
Bạn cần những thói quen gì để hoàn thành mục tiêu.
Sau khi đã xác định rõ mục tiêu trong cuộc sống, bạn sẽ dễ dàng hiểu ra thói quen gì cần thiết cho điều đó. Ví dụ với trường hợp của mình, mình sẽ cần những thói quen sau đây:
Thường xuyên tập thể dục
Đọc sách mỗi ngày
Một ly cafe nguyên chất mỗi sáng
Luôn tìm giải pháp sáng tạo cho vấn đề đang gặp phải.
Luôn tư duy tích cực và bỏ qua những hiềm khích
Tập trung vào những điều quan trọng nhất
Luôn thể hiện sự yêu thương với gia đình khi có dịp
Thật hài hước khi có bạn chỉ mất khoảng 10 phút để viết ra những dòng này, nhưng đa số 80% mọi người đều mất gần nửa cuộc đời để nghiệm ra, tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này. Vì vậy mình khuyên các bạn đừng nên chần chừ, càng sớm tìm ra Mục tiêu trong cuộc sống của bạn; bạn càng tiết kiệm được nhiều thời gian cho những chuỗi ngày vô định không mục định và sớm có kế hoạch rèn luyện thói quen tốt để đạt được mục tiêu đó.
Không gì thú vị bằng khi mình trở thành “nhà thiết kế” bản thân và tương lai của chính mình. Không gì tuyệt vời hơn mỗi sáng thức dậy, bạn đều nhận thức rõ về mục tiêu của mình và được dẫn dắt bởi những thói quen đứng đắn.
Bằng làm chủ các thói quen, nhận thức rõ về bản thân, bạn đang hoàn thiện mình hàng ngày. Mỗi ngày, bạn sẽ cảm nhận được mình tốt hơn một chút; và biết đâu một năm sau nhìn lại; bạn đã hoàn toàn thay đổi và nâng cấp lên trở thành một “phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình”.

Share
 
Want to print your doc?
This is not the way.
Try clicking the ⋯ next to your doc name or using a keyboard shortcut (
CtrlP
) instead.