icon picker
Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng

Bạn muốn giải quyết các vấn đề nào khi học hát ? (Click vào từng mục để đi đến bài tập cải thiện)
Thiếu cảm xúc
Cao độ
Nhịp phách
Hơi thở
Phát âm
Gặp vấn đề khác
(liên hệ ngay để được ADAM MUZIC tư vấn miễn phí)
Nhạc giao hưởng là một trong những thể loại âm nhạc còn quá xa lạ với đại đa số khán giả yêu nhạc cho dù thể loại nhạc này ra đời cũng đã khá lâu. Vì vậy, bài viết hôm nay, ADAM MUZIC muốn mang nhạc giao hưởng đến gần với các bạn hơn, để mọi người dễ tiếp cận cũng như dễ thưởng thức thể loại này.
Ở bài viết ngày hôm nay, ADAM MUZIC xin giới thiệu đến các bạn về dàn nhạc giao hưởng và đi chi tiết một vài nhạc cụ cơ bản có trong dàn nhạc.
ad.jpg
Các bạn có thể hình dung dàn nhạc giao hưởng giống như một đại gia đình. Mỗi người một vẻ, tuy khác nhau nhưng lại kết hợp với nhau để trở thành một thể đoàn kết thống nhất. Và người “trụ cột” trong gia đình này không ai khác đó chính là Nhạc trưởng. Vậy để biết được Nhạc trưởng là ai, vai trò của Nhạc trưởng là gì, các bạn hãy cùng ADAM MUZIC theo dõi tiếp nhé.

1. Nhạc Trưởng

Tương truyền, người đầu tiên đứng trên sân khấu với vai trò Nhạc trưởng đó chính là Pherekydes của thành Patrea tại thời điểm cách đây đã rất nhiều năm. Ông được biết đến trong những ghi chép còn sót lại từ thời Hy Lạp Cổ Đại với biệt danh “Người ban tặng giai điệu”. Những tư liệu đó kể rằng, vào năm 709 trước Công Nguyên, Pherekydes đã chỉ huy một buổi hoà nhạc với sự góp mặt lên đến 800 nhạc công chỉ bằng một cây gậy bằng vàng khua lên khua xuống. Và từ đó, cái chức danh Nhạc trưởng ra đời.
Nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner đã từng nói: “Trách nhiệm của một người nhạc trưởng nằm ở khả năng luôn ra dấu chính xác nhịp độ và giữ cho dàn nhạc chơi đúng nhịp của một bản nhạc.” Không những thế, trách nhiệm của một người Nhạc trưởng phải nhiều và khó hơn nữa.
Nếu không, dàn nhạc chỉ cần một cái máy đánh nhịp (Metronome) là đủ rồi đúng không nào.
ADAM-MUZIC-nhac-truong-music-conductor-768x1120.jpg
Nhạc trưởng ngoài việc giữ nhịp cho dàn nhạc còn cần phải truyền đạt được ý nghĩa của tác phẩm nữa. Biến những nốt nhạc nằm trơ trên tờ giấy trở nên sống động bằng những động tác tay đặc trưng. Hay truyền tải cảm xúc qua sắc thái, độ mạnh nhẹ của những nhạc cụ, làm nổi bật lên chủ đề chính của bài nhạc,….cuối cùng là gửi đến khán giả màn trình diễn đặc sắc nhất.
Mỗi người nhạc trưởng đều có một phong thái chỉ huy khác nhau, mỗi người một vẻ. Với một chiếc đũa như chiếc đũa thần của Harry Potter, ngoài những động tác được vẫy theo quy định, sẽ có người sẽ vẫy một cách mạnh mẽ, có người lại như vuốt ve âu yếm một con mèo, có người như đang vẽ một bức tranh với nhiều đường cong uốn lượn,…Các bạn hãy xem video dưới đây để hình dung rõ hơn nhé.
Ngoài người trụ cột gia đình là Nhạc trưởng ra, thì các thành viên còn lại có thể linh động thay đổi về số lượng cũng như các loại nhạc cụ tuỳ theo tác phẩm được biểu diễn. Dù thay đổi nhưng dàn nhạc vẫn phải đảm bảo đủ bốn bộ nhạc khí chính trên sân khấu, đó là: Bộ Dây, Bộ Gỗ, Bộ Đồng và Bộ Gõ. Những nhạc cụ khác có thể được mang bổ sung thêm vào dàn nhạc đó là đàn Harp, đàn Guitar, hoặc đàn Piano,…

2. Bộ Dây

Vị trí của bộ dây được đặt ngay trước mặt Nhạc trưởng. Vì được nằm ở vị trí đặc biệt nên bộ dây cũng nắm giữ cho mình vai trò rất quan trọng. Trong suốt bản nhạc, bộ dây gần như phải hoạt động liên tục.
Ở bộ dây này, chúng ta sẽ có các nhạc cụ như sau: Violin, Viola, Cello/Violoncelle, Contrebasse/Double Bass.
Các nhạc cụ này được cấu tạo giống nhau nhưng khác nhau ở kích cỡ của mỗi loại. Trong tổng phổ, bộ dây được đặt sau cùng để làm nền hoà âm cho những bộ còn lại, vì đây là bộ duy nhất có thể giữ được hoà âm mà không cần đến các nhạc cụ khác. Chúng ta cùng tìm hiểu qua về cây đàn đầu tiên của bộ dây này nhé.
ADAM-MUZIC-dan-nhac-giao-huong-bo-day-String-scaled.jpg

a. Violin

Violin trong dàn nhạc được chia làm 2 bè, đó là Violin 1 Violin 2.
Violin 1: Là một trong những bè quan trọng của dàn nhạc. Vì có cấu tạo nhỏ nhắn, nên âm thanh của Violin sẽ thuộc âm khu cao. Và với Violin 1, thông thường sẽ đảm nhận phần bè cao nhất trong tác phẩm, có thể chơi được những đường giai điệu từ đơn giản đến phức tạp.
Violin 2: Mặc dù chung một loại đàn, nhưng nhóm Violin 2 này sẽ được sử dụng để thể hiện phần bè thấp hơn. Dùng để tạo nền hoà âm, tạo sắc thái cho bản nhạc.
Violin là nhạc cụ có khả năng biểu diễn rất nhiều sắc thái tình cảm ở mọi tốc độ dù nhanh hay chậm. Vì vậy, đây là nhạc cụ có nhiều ưu thế kỹ thuật nhất trong bộ dây.

b. Viola

Nói cho gọn lại thì đây là cây đàn Violin ở một kích thước to hơn một chút xíu. Vì thế, cây đàn này sẽ thiếu đi sự linh động, kém nhanh nhẹn hơn so với người em Violin của mình. Nhưng bù lại, cây đàn này vì to hơn, nên có thể xuống những âm vực thấp hơn. Chính vì vậy, nên Viola sẽ đảm nhận phần bè trung hơn của một tác phẩm.
cover-medium_large_file.jpg

c. Violoncelle/Cello

Đây lại là một cây đàn Violin nhưng ở kích thước khá to khiến người chơi không thể để lên vai như hai người em của mình nên được đặt đứng ở giữa hai chân. Với Violoncelle, âm thanh mà nó phát ra khá trầm, có thể diễn tả được những cảm xúc sâu lắng, trầm mặc. Violincelle có thể kết hợp để tạo ra phần bè trầm cho bản nhạc hoặc cũng được sử dụng để độc tấu những giai điệu ở âm khu trầm để tạo nét độc đáo cho tác phẩm.
0d25b9abff7045a0fa22ef87e954d6b4.jpg

d. Contrebasse/Double Bass

Đây là người anh cả trong họ nhà dây. Là người to con nhất, bự nhất và đảm nhận phần bè thấp nhất trong bộ dây. Vì thế, vai trò của Contrebasse là làm nền cho dàn nhạc.
Người anh cả này khá cao và khá to, khoảng 1m9 và 60cm nên bắt buộc người chơi phải ngồi trên ghế. Cũng chính vì khá to nên giúp cho âm thanh mà Contrebasse phát trát ra có màu sắc u tối, kịch tính đặc trưng riêng.

3. Bộ Gỗ

Có thể nói âm vực của bộ gỗ này khá rộng, rộng hơn các bộ khác. Và điểm đặc biệt của dòng tộc nhà gỗ này là mỗi một nhạc cụ đều có thể sử dụng để chơi độc tấu một giai điệu với âm sắc đặc trưng. Bộ gỗ cũng giống với bộ dây, cũng được chia làm nhiều nhóm, trong đó có 4 nhóm chính: Flute, Kèn Hautbois, Kèn ClarinetteKèn Basson. Các nhóm này được chia theo âm vực của mỗi loại. Ví dụ như Petite Flute, thuộc nhóm Flute hay còn có cái tên khác là Piccolo có âm vực cao nhất trong bộ gỗ, nhưng Kèn Basson lại là nhạc khí trầm nhất của dàn nhạc.
Vì đây là nhạc cụ phụ thuộc nhiều vào hơi thở của người chơi, nên sẽ không thể hiện được những kỹ thuật phong phú như bộ dây và độ khó cũng được nâng cao hơn. Ngoài ra, các câu nhạc dài sẽ khó thực hiện hơn các bộ khác.
ADAM-MUZIC-dan-nhac-giao-huong-clarinette-768x1152.jpg

4. Bộ Đồng

Tuy các nhạc cụ trong Bộ Đồng có hình dáng không giống nhau nhưng âm thanh phát ra lại đồng nhất hơn bộ gỗ. Ngược lại với sự hiện diện mọi lúc mọi nơi của Bộ Dây, Bộ Đồng chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn để tạo sự nổi bật, thêm phần đặc sắc cho bản nhạc. Khi Bộ Đồng xuất hiện, thường sẽ mang theo cảm giác hùng tráng, uy nghiêm, xen lẫn chút đau thương cho người nghe. Điểm mạnh của Bộ Đồng đó chính là âm lượng. Để thể hiện được sự hùng tráng uy nghiêm, Bộ Đồng phải phát ra một âm thanh to, lớn và mạnh mẽ. Nhưng đây, ngược lại cũng là điểm yếu của họ nhà đồng này. Bộ Đồng sẽ rất khó khăn trong việc thể hiện những đoạn nhạc tình cảm, cảm xúc vì độ đa dạng trong sắc thái không nhiều như ở Bộ DâyBộ Gỗ.
Những loại nhạc cụ thuộc Bộ Đồng thường xuất hiện trong dàn nhạc bao gồm: Kèn Trumpet, Kèn Trombone, Kèn Tuba và sẽ có thêm Kèn Cornet nếu cần thiết.
ADAM-MUZIC-trumpet-dan-nhac-giao-huong-1024x683.jpg
ADAM-MUZIC-dan-nhac-giao-huong-bo-dong-saxophone-1024x683.jpg
Trumpet Saxophone

5. Bộ Gõ

Bộ Gõ trong dàn nhạc bao gồm 2 loại: Định Âm (xác định và điều chỉnh được cao độ) và ngược lại là Không Định Âm. Âm sắc của các loại nhạc khí trong Bộ Gõ này dựa vào 3 chất liệu chính: Phát âm bằng màng da, phát âm có mang tính kim loại và phát âm mang tính gỗ.
Giống như Bộ Đồng, sự xuất hiện của Bộ Gõ cũng không thường xuyên lắm. Chỉ một vài đoạn cao trào hoặc khi muốn thể hiện tiết tấu rõ ràng trong bản nhạc thì Bộ Gõ mới xuất hiện. Trong tổng phổ, dòng họ nhà này được đặt trên Bộ Dây, nằm dưới Bộ Đồng và số lượng nhạc cụ tuỳ biến, không giới hạn.

a. Một số nhạc khí gõ định âm:

Timpani: Timpani bao gồm 3 loại: Trống lớn, trung và nhỏ. Timpani xuất hiện kèm theo những cảm giác như tiếng sấm sét, đe doạ, tạo cảm giác kích động hay những đoạn nhạc thể hiện sự hào hùng, khí thế và uy lực.
Xylophone: Đây là một loại nhạc cụ gồm các thanh gỗ được xếp lại với nhau và đặt trên một ống bầu rỗng. Người chơi sẽ sử dụng dùi đánh lên các thanh gỗ ấy để phát ra âm thanh. Âm thanh được phát ra độc đáo nhưng không vang nhiều do cấu tạo của đàn.
Marimba: Được bắt nguồn từ Xylophone kèm theo bộ cộng hưởng bên dưới, làm cho âm thanh được vang hơn, nghe sâu hơn.
ADAM-MUZIC-dan-nhac-giao-huong-Timpani-scaled.jpg
Timpani

b. Một số nhạc khí gõ không định âm:

– Bass Drum: Đây là loại nhạc khí nhằm mô phỏng tiếng súng, tiếng sấm, tạo nên cao trào, kịch tính cho bản nhạc.
Cymbales: Đây là nhạc khí thuộc bộ gõ rất phổ biến trên thế giới. Nó là những tấm kim loại hình tròn, mỏng được sử dụng nhiều trong các ban nhạc Jazz và hay các nhóm diễu hành trên đường phố. (Như hình bên)
Triangle: Như tên gọi của nó, đây là một hình tam giác được uốn từ thanh kim loại. Và để nó kêu, chúng ta phải sử dụng dùi kim loại để gõ vào. Âm thanh mà Triangle phát ra trong trẻo, thánh thót nhưng không có cao độ nhất định.
ADAM-MUZIC-dan-nhac-giao-huong-Symbale-768x1152.jpg

6. Lời kết

Sau bài viết này, hy vọng các bạn hiểu thêm về tên gọi cũng như chức năng của các loại nhạc cụ chính trong dàn nhạc giao hưởng nhé.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Tác Giả : Ngọc Duyên

Want to print your doc?
This is not the way.
Try clicking the ⋯ next to your doc name or using a keyboard shortcut (
CtrlP
) instead.