Đọc hiểu hay phân tích báo cáo tài chính (BCTC) là một phần rất quan trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu, đưa ra quyết định mua bán. Đọc hiểu BCTC là bước đầu trong việc phân tích cơ bản (fundamental analysis) để biết được giá trị nội tại (instrisic value) của một doanh nghiệp / cổ phiếu. Thông qua đó, nhà đầu tư có thể đánh giá tình hình tài chính, hiệu quả kinh doanh hiện tại cũng như triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, việc đọc hiểu và phân tích BCTC không hề dễ dàng đối với những nhà đầu tư mới hay những người chưa có nền tảng về tài chính kế toán. Thấu hiểu điều này, Việt Hustler đem tới cho bạn đọc series bài viết về “Đọc hiểu Báo cáo tài chính”, giúp bạn đọc tiếp cận và hiểu được BCTC từ những bước đơn giản nhất.
Báo cáo tài chính được chia thành 3 phần riêng biệt:
Bảng cân đối kế toán (Balance Sheet): cho biết tình hình tài chính của công ty tại một thời điểm nhất định → công ty đang có bao nhiều tài sản và đang nợ bao nhiêu.
Bảng kết quả hoạt động kinh doanh (Income Statement): cho thấy doanh thu và chi phí của công ty trong một khoảng thời gian cụ thể.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Statement of Cash flow): theo dõi lưu lượng tiền mặt vào và ra khỏi doanh nghiệp.
… nhưng 3 loại báo cáo này lại có liên quan mật thiết đến nhau.
Trong bài viết tuần này, Việt Hustler sẽ mô tả chi tiết về Bảng cân đối kế toán và áp dụng phân tích thực tế với ví dụ của Apple.
Giới thiệu Bảng cân đối kế toán (Balance Sheet)
Một trong những điều đầu tiên Warren Buffet làm khi cố gắng xác định một công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững hay không là xem công ty có bao nhiêu tài sản - tính về tiền mặt và đất đai - và nợ bao nhiêu tiền của các nhà cung cấp, ngân hàng và các trái chủ. Để làm được điều này, ông nhìn vào bảng cân đối kế toán của công ty.
Bảng cân đối kế toán thể hiện quy mô và cấu trúc tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm cụ thể (thường là cuối quý và năm).
Điều này khác với báo cáo kết quả kinh doanh (income statement) hay báo cáo lưu chuyển tiền tệ (cash flow statement): 2 loại này thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp trong 1 quá trình, e.g. đầu đến cuối kỳ của một quý hay năm tài chính.
Kết cấu của Bảng cân đối sẽ gồm 2 phần cân bằng là Tài sản và Nguồn vốn (từ nợ hay vốn của chủ sở hữu).
Phương trình cân bằng của bảng cân đối kế toán:
Tài sản (Asset) = Nợ phải trả (Liability) + Vốn chủ sở hữu (Equity)
Ta có thể hiểu đơn giản:
Tài sản: Bất cứ thứ gì mà công ty sở hữu
Nợ phải trả: Bất cứ khoản nợ nào mà công ty chưa thanh toán
Vốn chủ sở hữu: Giá trị của công ty sau khi tất cả các khoản nợ được thanh toán hết (phần còn lại sau khi lấy tài sản trừ đi nợ)
Bảng cân đối kế toán của Apple cho thấy:
Tổng tài sản bằng 352.8 tỷ USD
Tổng nợ phải trả là 302.1 tỷ USD + Vốn chủ sở hữu là 50.7 tỷ USD
→ Tổng tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu. Bảng cân đối kế toán đã cân bằng!
Cấu trúc của một bảng cân đối kế toán tiêu chuẩn
1. Tài sản (Asset)
Tài sản là những thứ thuộc sở hữu của doanh nghiệp, có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.
Tài sản có thể là hữu hình hoặc vô hình,
… được phân thành 2 loại trong BCTC: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn.
Tài sản ngắn hạn: tài sản dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong vòng dưới 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh, bao gồm:
Tiền và tương đương tiền: tiền mặt + tiền gửi ngân hàng.
là loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất.
Khoản phải thu: Là số tiền mà khách hàng chưa thanh toán cho doanh nghiệp.
Hàng tồn kho: Là giá trị hàng dự trữ của doanh nghiệp.
Ví dụ nguyên vật liệu, hàng đang sản xuất dở, thành phẩm,…
Chi phí trả trước: Chi phí mà công ty đã thanh toán trước cho các nhà cung cấp thời gian tới
Ví dụ: tiền thuê nhà (thường trả theo năm), tiền bảo hiểm,…
Từ bảng cân đối kế toán của Apple ta có thể thấy:
Hàng tồn kho luôn rất thấp và chỉ chiếm 3-5% tỷ trọng tài sản ngắn hạn.
Điều này được giải thích vì Apple áp dụng mô hình quản lý hàng tồn kho "Just In Time" (JIT).
FYI: Mô hình JIT của Apple khác với mô hình truyền thống là sản xuất trước rồi mới tìm đến người tiêu dùng. Thay vào đó, JIP yêu cầu việc mua vừa đủ nguyên liệu theo nhu cầu của người tiêu dùng, sau đó đảm bảo khâu hậu cần thông suốt, rồi mới giao hàng cho khách sau khi sản xuất hàng hóa. => Từ đó, tối thiểu lượng hàng tồn trong kho.
Tài sản dài hạn: là những tài sản sẽ có thời gian sử dụng (hoặc được giữ trên balance sheet) trong thời gian trên 1 năm.
Tài sản cố định: Tài sản được sử dụng trong hoạt động của công ty trong một thời gian dài, chẳng hạn như tài sản, nhà xưởng và thiết bị.
—> khấu hao theo thời gian (chi phí khấu hao được thể hiện trong báo cáo hoạt động kết quả kinh doanh).
Đầu tư dài hạn: các khoản đầu tư mà công ty dự định nắm giữ trong thời gian dài, chẳng hạn như cổ phiếu và trái phiếu (ít thanh khoản hơn tiền mặt).
Tài sản vô hình: Tài sản không phải là vật chất, (Ví dụ: bằng sáng chế, thương hiệu hay danh tiếng).
Chúng cũng bị khấu hao theo thời gian.
2. Nợ phải trả (Liability)
Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu sẽ nằm trong Nguồn vốn, phản ánh nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp.
Nợ phải trả thể hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với bên ngoài như: chủ nợ, nhà nước, nhà cung cấp, người lao động…
Tương tự tài sản, Nợ phải trả cũng được chia làm 2 loại: Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn.
Nợ ngắn hạn: khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính phải thanh toán trong vòng 1 năm.
Phải trả người bán : Tiền nợ nhà cung cấp đối với hàng hóa hoặc dịch vụ đã nhận nhưng chưa được thanh toán.
Chi phí chưa thanh toán: Các chi phí đã phát sinh nhưng chưa được thanh toán, chẳng hạn như tiền lương và thuế.
Nợ ngắn hạn (Account payable): Các khoản vay và nợ đến hạn thanh toán nói chung trong năm tới.
Nợ dài hạn:
Nợ dài hạn (Term debt): Các khoản vay và nợ đến hạn sau 1 năm.
Doanh thu chưa thực hiện (Unrealized turnover): Tiền khách hàng trả trước cho những hàng hóa và dịch vụ mà công ty chưa cung cấp
Nghĩa vụ đối với quỹ hưu trí (pension fund liability): Số tiền mà công ty bắt buộc phải trả vào tài khoản hưu trí của nhân viên.
Nợ dài hạn khác (Other non-current liabilities): Nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác mà công ty dự kiến phải trả trong tương lai.
Phần lớn nợ ngắn hạn của Apple là phải trả người bán. Với số tiền phải trả người bán cao như trên, Apple có khả năng chiếm dụng vốn tốt → Apple ắt phải là khách hàng quan trọng với các nhà cung cấp thì mới có khả năng chiếm dụng vốn như vậy
Nợ phải trả của Apple chủ yếu là nợ vay dài hạn.
3. Vốn chủ sở hữu (Equity)
Vốn chủ sở hữu đại diện cho phần tài sản của công ty mà các cổ đông sở hữu. Nó là phần còn lại sau khi trừ đi tất cả các khoản nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản - Nợ phải trả
Vốn chủ sở hữu được cấu thành từ nhiều nguồn:
Vốn cổ phần: Vốn đầu tư trực tiếp, vốn đầu tư từ việc phát hành cổ phiếu
Lợi nhuận giữ lại: Lợi nhuận mà công ty giữ lại (không chia cổ tức cho cổ đông).